CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Khi lỗi thuộc về những vì sao


Phan_15

“Anh sẽ không sao đâu,” tôi nói với anh. Tôi có thể nghe thấy tiếng còi cứu thương đằng xa.

“Okay,” anh nói. Anh đang dần mất ý thức.

“Gus, anh phải hứa từ nay không cố làm như vầy nữa. Em sẽ giúp anh mua thuốc lá, được chưa?” Anh nhìn tôi, đôi mắt trũng sâu. “Anh hứa với em đi.”

Anh hơi gật đầu và sau đó nhắm nghiền mắt lại, đầu ngoẹo về một bên.

“Anh Gus,” tôi kêu lên. “Đừng bỏ em.”

“Hãy đọc gì đó cho anh nghe,” anh nói khi chiếc xe cứu thương chết tiệt lao vụt qua khỏi chúng tôi. Trong lúc chờ đợi họ quay lại và tìm ra hai đứa, tôi đọc bài thơ duy nhất nảy ra trong đầu lúc đó, “Chiếc xe cút kít đỏ” của William Carlos Williams.

phụ thuộc rất nhiều

vào

chiếc xe cút kít

đỏ

lấp loáng nước

mưa

cạnh đàn gà

trắng.

Williams là bác sĩ nên đối với tôi đây giống như một bài thơ của bác sĩ. Bài thơ đã hết, nhưng xe cứu thương vẫn chưa đến nên tôi viết tiếp bài thơ.

Và phụ thuộc rất nhiều, tôi nói với anh Augustus, vào bầu trời xanh bị xé toạc bởi những nhánh cây trên cao. Phụ thuộc rất nhiều vào ống thông dạ dày trong suốt bị trào ngược từ ruột của anh chàng môi tái. Phụ thuộc rất nhiều vào kẻ quan sát vũ trụ này.

Nửa tỉnh nửa mê, anh liếc nhìn tôi và lẩm bẩm, “Vậy mà em nói là em không biết làm thơ.”

Chương 19

Vài ngày sau anh xuất viện về nhà, mọi tham vọng ấp ủ của anh cuối cùng đã bị cướp mất vĩnh viễn. Bác sĩ phải dùng nhiều thuốc hơn để giúp anh giảm đau. Anh được chuyển lên lầu vĩnh viễn, vào một giường bệnh gần cửa sổ phòng khách.

Tiếp theo là chuỗi ngày mặc toàn đồ ngủ, râu ria rậm rạp, thều thào nhờ vả và miệng không ngừng cảm ơn hết người này đến người kia vì tất cả những gì hộ làm giúp anh. Một buổi chiều, anh chỉ vu vơ về phía giỏ đựng quần áo để ở góc phòng và hỏi tôi: “Đó là gì vậy?”

“Đó là giỏ đựng quần áo?”

“Không, bên cạnh nó kìa.”

“Em chẳng nhìn thấy bất cứ cái gì bên cạnh nó cả.”

“Đó là mảnh tự tôn cuối cùng của anh. Nó rất nhỏ.”

Ngày hôm sau, tôi tự vào nhà. Mọi người không muốn tôi bấm chuông vì sợ đánh thức anh dậy. Các chị anh đang ở đó cùng những anh chồng làm ngân hàng và ba đứa trẻ, tất cả đều là con trai. Chúng chạy ùa đến tôi và hô vang cô là ai cô là ai cô là ai, rồi cứ chạy vòng quanh lối vào như thể phổi chúng là một nguồn tài nguyên tái tạo tăng lượng dồi dào. Tôi đã gặp các chị của anh, nhưng chưa từng gặp mấy đứa con hay cha của chúng.

“Cô là Hazel,” tôi đáp.

“Cậu Gus có bạn gái,” một trong những đứa trẻ nói.

“Cô biết cậu Gus có bạn gái,” tôi nói theo.

“Cô ấy có ‘núi đôi’,” một đứa khác nhận xét.

“Vậy sao?”

“Tại sao cô có nó?” Đứa đầu tiên vừa hỏi vừa chỉ vào giá ô-xy của tôi.

“Nó giúp cô thở,” tôi trả lời. “Cậu Gus thức chưa?”

“Chưa, cậu còn đang ngủ.”

“Cậu đang sắp chết,” một đứa nữa nói.

“Cậu đang sắp chết,” một đứa khác khẳng định, giọng đột nhiên nghiêm trọng. Không khí chợt chìm vào im lặng và tôi tự hỏi mình cần phải nói ra sao. Nhưng rồi một trong số bọn trẻ đá vào chân đứa khác và chúng lại bắt đầu rượt đuổi nhau, té chồng lên nhau rồi lại chạy vào trong bếp.

Tôi vào chào ba mẹ Gus ở phòng khách và gặp hai ông anh rể của anh, Chris và Dave.

Thú thật là tôi không biết nhiều về hai người chị cùng cha khác mẹ của anh, nhưng cả hai đều ôm tôi. Chị Julie đang ngồi trên mép giường, nói chuyện với anh Gus đang ngủ bằng chất giọng đúng kiểu người ta hay nói với một em bé sơ sinh đáng yêu, “Ôi, Gussy Gussy, em Gussy Gussy bé bỏng của cả nhà.” Em Gussy của cả nhà? Liệu họ đã có được anh?

“Chuyện gì vậy, anh Augustus?” Tôi lên tiếng, cố gắng có một hành vi phù hợp.

“Em Gussy đẹp trai của cả nhà,” Chị Martha nói, nghiêng người về phía anh. Tôi bắt đầu thắc mắc liệu anh thực sự buồn ngủ hay anh đã đặt một ngón tay lên máy bơm truyền thuốc để tránh Sự Tấn Công của Hai Bà Chị Sốt Sắng này.

Một hồi sau anh tỉnh dậy và điều đầu tiên anh nói là, “Hazel,” khiến tôi lấy làm hạnh phúc, như thể giờ đây tôi cũng là một thành viên trong gia đình anh. “Chúng ta ra ngoài,” anh khẽ khàng. “Được không vậy em?”

Chúng tôi cùng đi. Mẹ anh đẩy xe lăn, các chị, anh rể, ba anh, mấy đứa cháu trai và tôi lần lượt theo sau. Đó là một ngày hè nhiều mây, không có gió và nóng bức. Anh mặc áo thun màu xanh hải quân dài tay và quần dài thể thao bằng vải nỉ. Không hiểu vì sao mà lúc nào anh cũng thấy lạnh trong người. Anh muốn uống nước nên ba anh quay vào nhà lấy cho anh ít nước.

Chị Martha cố gắng bắt chuyện với anh Gus, chị quỳ xuống cạnh anh và nói, “Mắt em lúc nào cũng đẹp như vậy.” Anh khẽ gật đầu.

Một trong hai ông anh rể đặt tay lên vai Gus và hỏi, “Sao, có thấy không khí trong lành không?” Anh Gus nhún vai.

“Con có cần uống thuốc không?” Mẹ anh hỏi, cũng quỳ xuống tạo thành vòng tròn vây quanh anh. Tôi lùi lại một bước, ngắm nhìn lũ trẻ chạy băng qua một thảm hoa để đến một bãi cỏ trong khuôn viên sau nhà. Ngay sau đó chúng bắt đầu chơi trò đẩy nhau té xuống đất.

“Mấy con!” Chị Julie lơ đãng mắng.

“Chị chỉ hy vọng rằng,” chị Julie nói, quay lại với Gus, “lớn lên chúng sẽ trở thành những chàng trai thông minh, chín chắn như em vậy.”

Tôi nén lòng để nói rành rọt từng tiếng. “Anh ấy không thông minh đến mức đó đâu,” tôi nói với chị Julie.

“Cô ấy nói đúng đó chị. Hầu hết những người đẹp mã lại ngu ngốc, nên như em là vượt quá mong đợi.”

“Phải, chủ yếu là sự nóng bỏng của anh thôi,” tôi nói.

“Nóng bỏng mắt luôn đó!” Anh trêu.

“Thế nên anh bạn Isaac mới bị mù,” tôi nói.

“Đó là tấn bi kịch khủng khiếp. Nhưng anh có thể là gì với vẻ đẹp chết người này đây?”

“Anh không thể làm gì hết.”

“Bởi vậy nên đây là gánh nặng của anh, khuôn mặt đẹp trai này.”

“Chưa kể đến thể hình của em đó,” anh rể Dave cũng hùa vào.

“Thật đấy, đừng để em nói đến thân hình nóng bỏng này. Cá là anh không muốn nhìn thấy em cởi đồ ra đâu, anh Dave. Nhìn em khỏa thân là cô em Hazel Grace đây hết thở được luôn,” anh nói, hất đầu về phía chiếc bình ô-xy.

“Được rồi, đủ rồi mấy con,” ba anh nói. Và đột nhiên ông vòng tay ôm tôi và hôn lên tóc tôi, thì thầm, “Bác tạ ơn Chúa mỗi ngày cho cháu, con gái à.”

Dù sao, đó là ngày tốt lành cuối cùng tôi ở bên anh Gus cho đến khi Ngày Tốt Lành Cuối Cùng thực sự đến.

Chương 20

Một trong những lệ thường không đến nỗi nhảm nhí của dòng tiểu thuyết về bệnh nhi ung thư là Ngày Tốt Lành Cuối Cùng, trong đó nạn nhân của căn bệnh ung thư thấy mình bất ngờ có vài giờ mà cơn đau đằng đẵng đột nhiên chững lại và trong một lúc họ có thể chịu đựng được nó. Vấn đề là, tất nhiên, ta không thể nào biết rằng ngày tốt lành cuối cùng của ta chính là cái Ngày Tốt Lành Cuối Cùng. Vào thời điểm đó, với ta nó chỉ là một ngày tốt lành khác.

Tôi tạm ngưng không đến thăm anh Augustus một ngày vì thấy trong người không khỏe lắm: không có gì trầm trọng, chỉ là thấy mệt mỏi thôi. Đó là một ngày ảm đạm. Và khi anh Augustus gọi điện thoại sau năm giờ chiều, tôi đã được nối máy thở BiPAP, nay được kéo ra phòng khách để tôi có thể xem truyền hình với Ba Mẹ.

“Chào anh, Augustus,” tôi nói.

Anh trả lời với chất giọng đã khiến tim tôi xao xuyến. “Chào Hazel Grace. Em có thể nào tìm cách đến Trái Tim của Chúa vào khoảng tám giờ tối nay không?”

“Dạ được?”

“Hay quá! Ngoài ra, nếu em không phiền thì nhớ chuẩn bị một bài điếu văn.”

“Ừm,” tôi đáp.

“Anh yêu em,” anh nói.

“Và em cũng yêu anh,” tôi trả lời. Sau đó người bên kia cúp máy.

“Ừm,” tôi nói. “Con phải đến Hội Tương Trợ vào tám giờ tối nay. Có một cuộc họp khẩn cấp.”

Mẹ tắt tiếng ti-vi. “Mọi thứ vẫn ổn chứ con?”

Tôi nhìn Mẹ một thoáng, lông mày hơi nhướng lên. “Con nghĩ đó là một câu hỏi tu từ.”

“Nhưng sao lại có –”

“Bởi vì anh Gus cần con vì một lý do nào đó. Được mà mẹ, con có thể lái xe.” Tôi nghịch máy thở BiPAP hòng chờ Mẹ đến giúp tôi tháo nó ra, nhưng bà không làm thế, thay vào đó bà bảo. “Hazel, Ba Mẹ cảm thấy như dạo gần đây chẳng mấy khi gặp con nữa.”

“Đặc biệt là với người đi làm cả tuần như Ba,” Ba thêm vào.

“Anh ấy cần con,” tôi nói, cuối cùng cũng tự tháo máy thở BiPAP ra.

“Ba Mẹ cũng cần con mà, cưng,” Ba tôi nói. Ông nắm lấy cổ tay tôi, như thể tôi là đứa bé hai tuổi ngỗ ngược sắp phóng ra đường nên cần phải giữ nó lại.

“Vậy thì Ba mắc một căn bệnh ở giai đoạn cuối đi, rồi con sẽ ở nhà thường hơn.”

“Kìa, Hazel!” Mẹ tôi mắng.

“Mẹ đã từng là người không muốn con chôn chân ở nhà,” tôi nói với bà trong khi Ba vẫn giữ chặt tay tôi. “Và bây giờ Mẹ muốn để mặc anh ấy với căn bệnh rồi chết đi để con sẽ trở lại đây, bị trói chặt vào ngôi nhà này, để Mẹ có thể chăm sóc con như trước. Nhưng con không cần như vậy, Mẹ à. Con không Cần Mẹ chăm như trước nữa. Mẹ mới là người cần tận hưởng cuộc sống.”

“Hazel!” Ba vừa mắng vừa siết mạnh tay tôi hơn. “Xin lỗi Mẹ con mau.”

Tôi giật mạnh tay lại nhưng ông không chịu buông ra, và tôi không thể đặt ống trợ thở bằng một tay. Giận thật. Tất cả những gì tôi muốn làm lúc này là một cuộc Biểu Tình Nổi Loạn theo kiểu trẻ con hồi xưa, khi tôi đùng đùng bỏ ra khỏi phòng, đóng sầm cánh cửa phòng ngủ, bật inh ỏi nhạc của nhóm The Hectic Glow và giận dữ viết một bài càm ràm. Nhưng tôi không thể làm gì hết vì tôi không thể thở nổi. “Cái ống trợ thở,” tôi rên rỉ. “Con cần nó.”

Ngay lập tức Ba thả tay tôi ra và vội vàng nối ống trợ thở cho tôi. Tôi ghi nhận được cảm giác hối lỗi dâng trong mắt ông nhưng ông vẫn chưa nguôi giận. “Hazel, con xin lỗi Mẹ mau.”

“Được rồi, con xin lỗi, nhưng xin Ba Mẹ hãy cho phép con làm việc này.”

Cả hai không nói gì hết. Mẹ chỉ ngồi đó khoanh hai tay và chẳng buồn nhìn tôi. Sau một lúc, tôi đứng dậy và đi về phòng mình để viết điếu văn cho anh Augustus.

Cả Ba và Mẹ một vài lần thử đến gõ cửa phòng nhưng tôi chỉ nói rằng tôi đang làm một việc rất quan trọng. Phải lâu thật lâu mới nghĩ ra những gì tôi muốn nói, nhưng thậm chí sau đó tôi cũng không mấy hài lòng với ý đó. Trước khi tôi cơ bản hoàn thành bài điếu, tôi nhận thấy đã 7:40, nghĩa là tôi sẽ đến muộn ngay cả khi tôi không thay đồ. Vì vậy cuối cùng tôi mặc luôn cái quần ngủ bằng vải bông màu xanh nhạt, áo thun Butler của anh Gus và mang đôi dép kẹp.

Tôi bước ra khỏi phòng và tảng lờ đi qua chỗ Ba Mẹ, nhưng Ba chợt nói, “Con không được rời khỏi nhà mà không có sự cho phép của Ba Mẹ.”

“Ôi trời ơi, Ba ơi là Ba. Anh Gus chỉ muốn con viết một bài điếu văn cho ảnh thôi, được chưa? Từ giờ. Đêm nào. Tối nào. Con cũng sẽ ở rịt trong nhà. Bắt đầu từ bây giờ, vào bất cứ ngày nào, Ba Mẹ vừa lòng chưa?” Lời tôi nói khiến ông bà nín lặng.

Trên đường đi tôi mới dần bình tâm lại về chuyện Ba Mẹ lúc nãy. Tôi vòng xe ra phía sau nhà thờ và đỗ trên lối vào hình bán nguyệt, ngay sau xe anh Augustus. Cửa hậu của nhà thờ hé mở nhờ một hòn đá to bằng nắm tay chèn ngang. Bên trong. Tôi vừa tính đi lối cầu thanh nhưng cuối cùng quyết định chờ cái thang máy cổ xưa ọp ẹp.

Khi cánh cửa thang máy mở ra, tôi bước vào gian phòng hay họp Hội Tương Trợ, mấy chiếc ghế vẫn được sắp theo vòng tròn như trước. Nhưng giờ đây tôi chỉ thấy anh Gus đang ngồi trên xe lăn, ốm tong ốm teo như thây ma. Anh ngồi ở trung tâm vòng tròn, đối diện với tôi. Hẳn anh đang ngồi chờ cửa thang máy mở ra.

“Hazel Grace,” anh thốt lên, “em nhìn đẹp mê hồn.”

“Em biết thế mà?”

Chợt tôi nghe thấy tiếng sột soạt trong góc tối của căn phòng. Anh Isaac đứng đằng sau một bục giảng nhỏ bằng gỗ, tay níu lấy nó. “Anh có muốn ngồi không?” Tôi hỏi anh Isaac.

“Không, anh sắp đọc bài điếu. Em đến muộn vậy?”

“Anh đang gì… Em… sao ạ?”

Anh Gus ra hiệu cho tôi ngồi. Tôi kéo một chiếc ghế vào giữa vòng tròn cùng với anh trong khi anh xoay xe lại đối diện với anh Isaac. “Anh muốn tham gia đám tang của mình,” anh Gus nói. “Nhân đây, em sẽ phát biểu tại tang lễ của anh chứ?”

“Dạ, dĩ nhiên là thế rồi,” tôi nói, ngả đầu vào vai anh.

Tôi vòng tay ra sau lưng anh, ôm chầm cả anh lẫn chiếc xe lăn. Anh nhăn mặt. Tôi buông hai tay.

“Tuyệt quá!” anh bảo. “Anh đang hy vọng lúc đó anh sẽ tham dự với tư cách một linh hồn, nhưng để chắc ăn, anh nghĩ mình nên – à, anh không có ý đẩy em lên sân khấu đâu, nhưng chiều nay anh chợt nghĩ mình có thể tổng duyệt trước lễ tang, và nhận thấy hiện nay tinh thần anh còn khá minh mẫn nên đây là lúc thích hợp nhất cho việc này.”

“Làm sao mà anh vào được đây?” Tôi tò mò hỏi.

“Thế em có tin là họ để cửa mở suốt đêm không?” Anh Gus vặn lại.

“Ừm, không,” tôi đáp.

“Mà em cũng không nên tin.” anh Gus mỉm cười. “Dù gì, anh cũng biết nói vậy là hơi tự đề cao mình.”

“Này, mày đang đạo bài điếu văn của tao đó nha,” anh Isaac chen vào. “Phần đầu tiên là tao mô tả mày hay tự đề cao bản thân thế nào.”

Tôi bật cười.

“Được rồi, được rồi,” anh Gus nói. “Mày cứ thong thả đọc đi.”

Anh Isaac hắng giọng. “Augustus Waters là một người hay tự đề cao mình. Nhưng chúng ta tha thứ cho anh ấy. Chúng ta tha thứ cho anh không phải vì anh có một trái tim tốt đẹp theo nghĩa bóng trong khi trái tim thật của anh cứ đau lên đau xuống; hay vì anh biết cách ngậm một điếu thuốc trên miệng khéo hơn bất kỳ người không hút thuốc nào trong lịch sử; hay vì anh chỉ sống có mười tám năm trong khi anh xứng đáng được sống lâu hơn.”

“Mười bảy thôi mày,” anh Gus chỉnh.

“Tao giả định mày sống được thêm ít lâu, thằng quỷ khoái ngắt lời người khác này.

“Để tôi kể cho mọi người nghe,” anh Isaac tiếp tục, “Augustus Waters là một thằng nói nhiều đến nỗi hắn sẽ cắt ngang lời bạn tại chính lễ tang của hắn. Và hắn luôn tự kiêu: Ôi Thánh thần thiên địa ơi, thằng đó không bao giờ đi tè mà không nghĩ đến mấy lời ẩn dụ về chất thải của loài người. Mà hắn cũng rất tự đắc: Tôi tin rằng mình chưa bao giờ gặp một kẻ có vẻ bề ngoài hấp dẫn hơn thế, một kẻ có nhận thức cực kỳ sâu sắc về sức hấp dẫn trong diện mạo của mình.

“Nhưng tôi xin nói điều này: Khi các nhà khoa học tương lai xuất hiện tại nhà tôi cùng cặp mắt rô-bốt do họ chế tạo và xin tôi thử mang vào, tôi sẽ yêu cầu họ biến ngay, bởi vì tôi không muốn nhìn thấy một thế giới mà không có Gus.”

Đoạn này, tôi bắt đầu thút thít khóc.

“Và sau khi thể hiện quan điểm của mình một cách hoa mỹ, tôi sẽ lắp mắt rô-bốt vào, bởi vì biết đâu với cặp mắt rô-bốt đó ta có thể nhìn xuyên qua được áo con gái và mấy thứ khác. Augustus, bạn của tôi, thượng lộ bình an nhé.”

Anh Augustus gục gặc đầu một lúc, môi anh mím lại, và sau đó giơ một ngón cái lên ý khen anh Isaac. Sau khi đã lấy lại được bình tĩnh, anh nói thêm, “Tao sẽ cắt cái đoạn nhìn xuyên qua áo mấy em gái.”

Anh Isaac vẫn còn bám vào bục giảng. Anh bắt đầu khóc. Trán anh tì xuống thành bục và tôi thấy vai anh rung lên từng chập, cuối cùng thì anh cất tiếng, “Thằng chết tiệt, Augustus, mày muốn chỉnh điếu văn của mày ra sao thì tùy.”

“Đừng chửi thề trong Trái Tim của Chúa chứ,” anh Gus nhắc nhở.

“Thằng chết tiệt!” anh Isaac lại chửi một lần nữa, ngẩng đầu lên và nuốt nước mắt. “Hazel, anh có thể mượn tay em không?”

Tôi quên bẵng đi mất là anh không tự quay trở xuống vòng tròn được. Tôi đứng dậy, đặt tay anh lên tay tôi và từ từ dẫn anh trở lại chiếc ghế bên cạnh anh Gus nơi tôi vừa ngồi. Sau đó, tôi bước lên bục và mở mảnh giấy mà tôi đã dày công viết bài điếu văn trên đó.

“Tên tôi là Hazel. Anh Augustus Waters là tình yêu vĩ đại nhưng bất hạnh của cuộc đời tôi. Chuyện tình của chúng tôi là một bản anh hùng ca mà cứ viết thêm một câu là tôi không khỏi rơi lệ. Anh Gus biết. Anh Gus biết chứ. Tôi sẽ không kể cho mọi người nghe về chuyện tình yêu của chúng tôi, bởi vì – giống như mọi câu chuyện tình yêu đích thực – nó sẽ được chôn vùi cũng với chúng tôi, như lẽ ra phải như thế. Tôi đã hy vọng rằng anh sẽ viết điếu văn cho tôi, bởi vì tôi không muốn ai khác ngoài…” Tôi bắt đầu sụt sịt khóc. “Được rồi, làm sao để không khóc. Làm sao để tôi – bình tĩnh. Bình tĩnh nào.”

Tôi hít thở vài cái rồi quay trở lại bài viết. “Tôi không thể nói về câu chuyện tình yêu của chúng tôi, nên tôi sẽ nói về toán học. Tôi không phải là nhà toán học, nhưng tôi biết điều này: Có hằng số hà sa số con số tồn tại giữa 0 và 1. Có 0.1 này, 0.12 này, 0.112 này và còn vô số những tập hợp số khác. Tất nhiên, tập hợp số vô hạn giữa 0 và 2, hoặc giữa 0 và một triệu sẽ lớn hơn. Như vậy, có những tập hợp số vô hạn lớn hơn những tập hợp số vô hạn khác. Một nhà văn chúng tôi từng yêu thích đã dạy cho chúng tôi biết điều đó. Cho nên, có những ngày, rất nhiều ngày như vậy trong thời gian qua, tôi thấy bực tức với kích thước của tập hợp số ngày nhỏ nhoi của mình. Tôi muốn có nhiều ngày hơn so với lượng thời gian tôi có thể sống, và Chúa ơi, con muốn có nhiều thật nhiều ngày hơn cho anh Augustus Waters yêu dấu. Nhưng anh Gus, tình yêu của em, em không biết nói sao cho anh hiểu là em cảm kích thế nào về lượng thời gian ít ỏi của hai chúng ta. Em sẽ không đời nào đánh đổi nói. Anh đã cho em những giây phút vĩnh viễn trong chuỗi ngày ngắn ngủi này, và em vô vàn biết ơn anh.”

Chương 21

Anh Augustus Waters mất tám ngày sau buổi diễn tập tang lễ đó, tại Bệnh viện Memorial, trong Phòng chăm sóc đặc biệt, khi căn bệnh ung thư, vốn đã di căn toàn bộ cơ thể anh, cuối cùng đã làm tim anh, cũng là một phần cơ thể anh, ngừng đập.

Lúc anh mất có mặt ba anh, mẹ anh cùng hai chị gái. Mẹ anh gọi tôi lúc ba giờ rưỡi sáng. Dĩ nhiên tôi biết ngay là anh đã ra đi. Tôi đã nói chuyện với ba anh trước khi đi ngủ, và ông đã nói với tôi, “Có thể là tối nay đấy!” nhưng đến khi tôi chộp lấy điện thoại trên chiếc bàn cạnh giường ngủ và nhìn thấy dòng chữ Mẹ anh Gus trên màn hình, mọi thứ trong tôi đều sụp đổ. Bà chỉ khóc nức nở ở đầu dây bên kia và bảo rằng bà rất tiếc. Tôi cũng nói tôi lấy làm tiếc. Và bà cho tôi biết rằng anh đã hôn mê trong vài giờ trước khi mất.

Sau đó, Ba Mẹ tôi vào phòng, nhìn tôi như thăm dò và tôi chỉ gật đầu. Cả hai quay qua ôm nhau, cùng cảm nhận, tôi đoán chắc thế, nỗi kinh hoàng xâm lấn hai tâm hồn đồng điệu ấy.

Tôi gọi cho anh Isaac, người luôn miệng nguyền rủa từ cuộc sống đến vũ trụ và cả Đức Chúa Trời, rồi bảo tại sao khi cần thì chẳng tìm được chiếc cúp chết tiệt nào để đập vỡ. Sau đó tôi chợt nhận ra rằng không còn ai khác để gọi báo tin, đó là điều đáng buồn nhất. Người duy nhất tôi thật sự muốn kể về cái chết của Augustus Waters lại chính là anh Augustus Waters.

Ba Mẹ tôi ở lại suốt trong phòng cho đến khi trời sáng và cuối cùng Ba hỏi, “Con có muốn được một mình không?” Tôi gật đầu và Mẹ âu yếm nói, “Ba Mẹ ở ngay bên ngoài cửa thôi!” Tôi thầm nghĩ, con biết mà.

Thật không thể chịu đựng nổi. Toàn bộ sự việc. Mỗi giây trôi qua lại càng tệ hại hơi so với trước. Tôi cứ nghĩ miên man về việc gọi cho anh, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra, liệu có ai trả lời không. Trong những tuần vừa qua, chúng tôi đã dành nhiều thời gian bên nhau để cùng ôn lại kỷ niệm, và điều đó đã để lại một tác động rất lớn: khi anh không còn nữa, tôi đã bị tước đi niềm vui của việc tưởng nhớ, vì giờ đây tôi không còn ai để cùng ôn lại kỷ niệm. Mất đi người cùng ôn chuyện với mình, cảm giác đó cũng đau đớn như là đánh mất chính ký ức đã có với họ vậy, điều đó không khác nào những gì chúng tôi đã trả qua trở nên xa vời và vô nghĩa hơn so với vài giờ trước đó.

Khi bạn được chuyển vào Phòng cấp cứu, một trong những điều đầu tiên các bác sĩ yêu cầu bạn làm là đánh giá mức độ đau của bạn trên thang đo từ một đến mười, và từ đó họ sẽ quyết định sử dụng loại thuốc nào và xử lý nhanh ra sao. Tôi đã được hỏi câu hỏi này hàng trăm lần trong những năm qua, và tôi nhớ có một lần lâu lắm rồi, khi tôi không thể thở được và cảm giác như ngực mình đang bốc cháy, ngọn lửa liếm đến mé trong xương sườn và tìm cách lan ra toàn thân, Ba Mẹ lập tức đưa tôi vào Phòng cấp cứu. Một cô y tá hỏi tôi về mức độ đau đớn và tôi thậm chí không thể cất tiếng nói, vì vậy tôi đã giơ chín ngón tay.

Một hồi sau, khi họ đã can thiệp gì đó cho tôi, cô y tá ấy lại đến và đại loại là vuốt ve tay tôi trong khi đo huyết áp cho tôi và cô âu yếm nói, “Cháu biết vì sao cô gọi cháu là chiến binh không? Vì cháu đã gọi mức mười là chín.”

Nhưng sự thật không phải như vậy, tôi gọi mức đó là chín bởi vì tôi để dành con số mười cho riêng tôi. Và giờ đây mới chính thức là nó, cấp độ mười khủng khiếp, cứ dội vào người tôi từng chập từng chập trong khi tôi nằm chết lặng trên giường, một mình, mắt nhìn chăm chăm lên trần nhà. Nó giống như những con sóng hất tung tôi vào đá, sau đó lại kéo tôi trở ra biển để ném tôi một lần nữa vào vách đá lởm chởm, rồi bỏ mặc tôi dập dềnh trên mặt nước, không sao chìm xuống được.

Cuối cùng tôi bấm số điện thoại gọi cho anh. Điện thoại reo năm lần và sau đó chuyển sang chế độ hộp thư thoại. “Bạn đang được chuyển đến hộp thư thoại của Augustus Waters,” tiếng anh cất lên, vẫn là chất giọng lanh lảnh đã làm xiêu lòng tôi. “Hãy để lại lời nhắn.” Sau đó là tiếng bíp và không khí ở đầu bên kia im ắng đến kỳ lạ. Sau khi anh mất, tôi chỉ muốn quay lại với không gian thứ ba bí mật vẫn thường xuyên hiện mỗi khi chúng tôi nói chuyện điện thoại. Tôi chờ đợi cảm giác ấy, nhưng nó đã không bao giờ đến: không khí chết lặng ở bên kia rất bức bối và cuối cùng tôi cúp máy.

Tôi lôi laptop từ dưới gầm giường lên, khởi động máy và truy cập vào trang cá nhân của anh, nay đã tràn ngập vô vàn lời chia buồn. lời chia buồn gần nhất là:

Tôi yêu cậu, người anh em. Hẹn gặp cậu ở bên kia thế giới.

… Được viết bởi một người mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến. Trên thực tế, hầu như tất cả các thông điệp đăng trên này, đến tới tấp bằng với tốc độ đọc của tôi, được viết bởi những người tôi chưa bao giờ gặp mặt và anh cũng chưa bao giờ nhắc đến, những người đang ca ngợi nhiều phẩm chất khác nhau của anh vào ngày hôm nay khi anh đã ra đi, dù tôi biết một thực tế rằng họ đã chẳng gặp anh trong nhiều tháng trời và cũng không hề bỏ công đến thăm anh. Tôi tự hỏi không biết trang cá nhân của tôi sẽ như thế nào khi tôi chết, hoặc giả tôi đã rời khỏi trường học và cuộc sống này đủ lâu để thoát khỏi những hoài niệm mênh mang.

Tôi tiếp tục đọc.

Tôi đã bắt đầu thấy nhớ cậu, người anh em.

Em yêu anh, Augustus. Cầu Chúa ban phúc lành và phù hộ cho anh.

Bạn sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi, anh chàng cừ khôi.

(Câu này đặc biệt khiến tôi tức giận, bởi vì nó ngụ ý về sự bất tử của những người còn sống: Bạn sẽ sống mãi trong ký ức của tôi bởi vì tôi sẽ sống mãi! GIỜ ĐÂY TÔI LÀ CHÚA TRỜI CỦA BẠN, CHÀNG TRAI ĐÃ KHUẤT KIA! BẠN LÀ CỦA TÔI! Mà suy nghĩ rằng mình sẽ không chết lại chính là một tác dụng phụ của việc chờ chết.)

Mày luôn luôn là một người bạn tuyệt vời. Tao xin lỗi đã không gặp mày thường sau khi mày rời khỏi trường, người anh em. Tao cá rằng mày đang chơi bóng rổ trên thiên đường.

Tôi tưởng tượng anh Augustus Waters sẽ phân tích lời chia buồn ấy như sau: Nếu tao đang chơi bóng rổ ở trên thiên đường, tức tồn tại ở đâu đó một địa điểm có thực là thiên đường với những quả bóng rổ có thực ư? Ai làm ra quả bóng rổ nói trên? Có phải là những linh hồn kém may mắn hơn ở trên thiên đường đang làm việc trong một nhà máy sản xuất bóng rổ thiên đường để cho tao chơi không? Hoặc giả một Đấng toàn năng đã tạo ra mấy quả bóng rổ từ những lỗ chân không trong không khí? Liệu thiên đường này có phải là một loại vũ trụ không thể quan sát, nơi mà các định luật vật lý không áp dụng được, và nếu đúng như vậy thì tại làm sao lại chơi môn bóng rổ dở hơi này trong khi tao có thể được bay nhảy, đọc sách, ngắm nhìn mấy cô em xinh đẹp, hay làm bất cứ trò gì khác mà tao thật sự thích? Cái cách mày đang tưởng tượng về linh hồn đã khuất của tao thực chất là nói về chính bản thân mày hơn là nói về con người của tao trước đây hay tao bây giờ.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_16
Phan_17
Phan_18 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
XtGem Forum catalog